BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH TRONG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN

BIỆN PHÁP PHÒNG BỆNH TRONG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN
Ngày đăng: 19/07/2016 01:21 PM

    Biện pháp tổng hợp phòng bệnh trong nuôi trồng thủy sản

     

    Động vật thủy sản sống trong nước nên vấn đề phòng bệnh không giống như gia súc, gia cầm trên cạn. Mỗi khi động vật thủy sản trong ao bị bệnh, không thể chữa từng con mà phải chữa theo quần đàn. Thuốc dùng phải tính cho tổng số lượng tôm, cá trong ao nên tốn kém nhiều.

     

    Các loại thuốc chữa bệnh ngoài da cho động vật thủy sản thường phun trực tiếp xuống nước, nên chỉ áp dụng với các ao diện tích nhỏ, còn các thủy vực có diện tích mặt nước lớn không sử dụng được phương pháp này. Các loại thuốc chữa bệnh bên trong cơ thể động vật thủy sản thường phải trộn vào thức ăn, tuy nhiên chỉ có tác dụng đối với những con còn khỏe mạnh, còn những con đã bị bệnh thì ít tác dụng vì chúng không bắt mồi. Một số thuốc chữa bệnh lại kèm theo một số phản ứng phụ đối với động vật nuôi và môi trường. Vì vậy, trong nuôi trồng thủy sản vấn đề phòng bệnh được đặt lên hàng đầu và nguyên tắc là “phòng bệnh là chính, chữa bệnh khi cần thiết”.

     

    1. Ngăn chặn sự xâm nhập của tác nhân gây bệnh

     

    Ta biết rằng tác nhân gây bệnh là nhân tố quyết định một bệnh nào đó xảy ra trong hệ thống nuôi trồng thủy sản (NTTS). Tác nhân có thể xâm nhập vào ao nuôi bằng nhiều con đường khác nhau như: theo bố mẹ hoặc con giống, theo thức ăn, theo nguồn nước cấp vào ao, theo các sinh vật là các ký chủ trung gian hay sinh vật mang mầm bệnh, theo các dụng cụ trong NTTS và có thể tác nhân có sẵn trong ao nuôi.

     

    1.1 Xử lý nguồn nước trước khi đưa vào ao nuôi

    Xử lý bằng phương pháp cơ học: dùng phương pháp này có thể loại bỏ các chất vẩn hữu cơ lơ lững có trong nguồn nước, bám trên các chất vẩn đó là nhiều các tác nhân khác nhau như vi khuẩn, nấm, nguyên sinh động vật. Cũng có thể dùng dụng cụ siêu lọc (Ultrafiltration) lọc qua màng lọc 0,2µm thì có thể loại bỏ 100% vi khuẩn trong nguồn nước. Tuy nhiên phương pháp này ít được dùng trong NTTS do tốn kém và không đáp ứng nhu cầu sử dụng một lượng lớn nước trong NTTS.

     

    Xử lý bằng phương pháp vật lý: dùng đèn cực tím để sát trùng nguồn nước, đèn cực tím ở bước sóng từ 240-280nm có thể diệt được một số vi sinh vật, tuy nhiên chúng không thể làm cho nước hoàn toàn vô trùng. Thường dùng phương pháp này có thể diệt được vi khuẩn, nấm và một số ký sinh trùng.

     

    Xử lý bằng phương pháp hóa học: đây là phương pháp hay sử dụng nhất hiện nay, vì tác dụng nhanh và có hiệu quả ngay đối với mầm bệnh. Các loại thuốc khác nhau cho vào nguồn nước để tiêu diệt mầm bệnh thông qua các phản ứng oxy hóa-khử như: Iodine, Chlorine, thuốc tím, xanh methylen, formol…phương pháp này diệt trùng khá tốt nhưng dư lượng của hóa chất có thể ảnh hưởng xấu tới điều kiện môi trường và sức khỏe vật nuôi.

     

    Xử lý bằng phương pháp sinh học: thường áp dụng trong các hệ thống nuôi tuần hoàn và bán tuần hoàn, nước đã sử dụng có thể làm sạch nhờ sự tồn tại và phát triển của một số vi sinh vật (thường là vi khuẩn) có lợi như Nitrobacter có khả năng sử dụng nitơ thừa và cạnh tranh chiếm chỗ, kìm hãm sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh tồn tại trong môi trường nước.

     

    Xử lý bằng phương pháp sinh thái: dựa vào đặc tính sinh học của từng loại tác nhân gây bệnh và tính thích ứng với môi trường của vật nuôi, ta có thể sử dụng các biện pháp sinh thái bằng cách thay đổi điều kiện môi trường để tiêu diệt mầm bệnh mà không làm ảnh hưởng đến vật nuôi.

     

    1.2 Sử dụng đàn bố mẹ và đàn giống không nhiễm mầm bệnh nguy hiểm

    Con giống trong nuôi thương phẩm và đàn bố mẹ trong sản xuất giống có thể mang nhiều mầm bệnh, trong đó có những mầm bệnh nguy hiểm như virus đốm trắng (WSSV), virus đầu vàng (YHV), virus gây bệnh còi (MBV), virus gây bệnh taura (TSV)…Bằng con đường lây nhiễm theo trục dọc đàn bố mẹ có thể tạo ra những đàn giống mang mầm bệnh nguy hiểm. Vì vậy, cần phải loại bỏ những cá thể bố mẹ có mang mầm bệnh bằng các phương pháp kiểm tra hiện đại (PCR), tách riêng các nguồn tôm, cá bố mẹ để tránh sự lây lan mầm bệnh từ cá thể này sang cá thể khác.

     

    Trong các trại tôm giống có thể áp dụng kỹ thuật rửa trứng hay rửa nauplii, bằng các loại thuốc sát trùng như Formol nồng độ 100-200ppm trong thời gian 1-2p có thể ngăn được một số bệnh. Có thể dùng phương pháp sốc độ mặn hay sốc bằng hóa chất, để loại bỏ những con giống mang mầm bệnh.

     

    1.3 Sử dụng thức ăn không mang mầm bệnh

    Các loại thức ăn trong NTTS đều có thể là con đường đưa các tác nhân gây bệnh vào trong hệ thống nuôi và qua con đường tiêu hóa để xâm nhập vào cơ thể của động vật thủy sản. Không nên dùng thức ăn tươi (cá tạp, tôm, cua còng nhỏ) trong nuôi thâm canh vì chúng kém chất lượng và có thể bị cảm nhiễm nhiều loài tác nhân gây bệnh. Các loại thức ăn tổng hợp và tự chế biến cần được bảo quản tốt, tránh mốc và nhiễm khuẩn. Các thức ăn bị mốc có thể sản sinh ra một loại độc tố aflatoxin gây hoại tử gan tụy động vật thủy sản. Một số loại thức ăn sống (life food) như tảo đơn bào, luân trùng (Rotifer), Copepoda và Artemia có thể đưa vào trong hệ thống nuôi nhiều loại tác nhân gây bệnh khác nhau như vi khuẩn, nấm, động vật đơn bào và virus. Các loại thức ăn này trước khi đưa vào cho ăn cần sát trùng bằng một số hóa chất như Iodine, thuốc tím..sau đó rửa lại bằng nước sạch trước khi cho vào bể ương.

     

    1.4 Ngăn chặn sự xâm nhập và tiêu diệt các sinh vật là ký chủ trung gian, là các sinh vật mang tác nhân gây bệnh

    Thông qua các sinh vật là ký chủ trung gian mà tác nhân gây bệnh có cơ hội để xâm nhập vào hệ thống nuôi và cảm nhiễm vào cơ thể động vậy thủy sản. Dùng vôi hay thuốc diệt địch hại để tiêu diệt các sinh vật là ký chủ trung gian, hay sinh vật mang mầm bệnh. Dùng Nevugon, CuSO4 để tiêu diệt các loại ốc trong ao và diệt giáp xác hoang dã mang virus đốm trắng. Xua đuổi các loài chim ăn động vật thủy sản vì chúng có thể mang mầm bệnh từ các ổ dịch xâm nhập vào vùng nuôi mới. Trong nuôi tôm dùng lưới giăng xung quanh để tránh sự xâm nhập của giáp xác mang virus đốm trắng vào ao.

     

    1.5 Tiêu diệt các tác nhân gây bệnh có sẵn ở trong ao nuôi

    Cần tẩy dọn ao đìa kỹ trước mỗi vụ nuôi, phơi nắng đáy ao trong 1-2 tuần để tiêu diệt tác nhân tồn tại trong lớp bùn. Có một số tác nhân như MBV có thể tồn tại dưới đáy ao thời gian dài và có khả năng chịu đựng với thuốc sát trùng nhưng lại rất kém dưới sáng mặt trời. Do vậy, việc phơi nắng đáy ao rất có hiệu quả để giảm mức độ nhiễm của tác nhân gây bệnh. Dùng vôi CaO hay Ca(OH)2 để sát trùng diệt tạp và nâng cao pH. Nếu nuôi bằng lồng bè, công tác rửa sạch và sát trùng lồng bè trước mỗi vụ nuôi cũng cần thiết.

     

    1.6 Kìm hãm sự phát triển của tác nhân gây bệnh

    Kiểm soát lượng thức ăn dư thừa, không nuôi mật độ quá cao, ổn định tảo trong ao nuôi, thường xuyên thay nước tầng đáy để loại bỏ bớt các chất hữu cơ. Thường xuyên dùng các biện pháp khác nhau để nâng cao sức đề kháng của động vật thủy sản nuôi. Nếu cơ thể của động vật thủy sản nuôi khỏe mạnh, chúng sẽ trực tiếp ngăn chặn sự xâm nhập của tác nhân vào cơ thể, trung hòa độc tố, tiêu diệt tác nhân, làm bệnh không xảy ra hoặc nếu có xảy ra cũng ở mức độ nhẹ.

     

    2. Nâng cao sức đề kháng của động vật thủy sản nuôi

     

    Người nuôi cần lựa chọn để mua được những đàn giống không mang mầm bệnh và có sức đề kháng cao. Trong quá trình ương nuôi cần bảo đảm đầy đủ một số thành phần dinh dưỡng trong khẩu phần thức ăn có liên quan tới sức đề kháng của vật nuôi như: các vitamin, khoáng, các axit béo không no.

     

    Cần xác định mật độ nuôi phù hợp với khả năng đầu tư và trình độ kinh nghiệm của người nuôi. Nếu nuôi mật độ cao hơn với sự đầu tư và trình độ quản lý sẽ có nhiều nguy cơ gây sốc dinh dưỡng do môi trường, làm suy giảm hệ thống miễn dịch của vật nuôi, tăng khả năng mẫn cảm với tác nhân gây bệnh. Cần quản lý môi trường nuôi thích hợp và ổn định, tránh những nguy cơ gây sốc do các chỉ số thủy lý, thủy hóa, thủy sinh biến động.

     

    Hạn chế dùng kháng sinh và hóa chất trong NTTS, ngoài tác dụng diệt trùng loại thuốc này có thể tác động xấu tới môi trường nuôi và làm suy giảm hệ thống miễn dịch của động vật thủy sản. Việc dùng kháng sinh và hóa chất tùy tiện trong các trại giống có thể làm giảm chất lượng của các đàn giống, làm cho chúng mẫn cảm hơn với tác nhân gây bệnh khi đưa ra nuôi thương phẩm.

     

    Vùng nuôi trồng thủy sản, cần tránh hay chịu ảnh hưởng của các loại thuốc bảo vệ thực vật (Pesticites). Dư lượng của các thuốc này có thể gây độc trực tiếp cho cá, tôm hoặc làm suy giảm sức đề kháng của chúng với tác nhân gây bệnh.

     

    3. Quản lý môi trường nuôi thích hợp và ổn định

     

    3.1 Thiết kế xây dựng trại nuôi phải phù hợp với điều kiện phòng bệnh cho động vật thủy sản

    Trên cơ sở điều tra chất đất, chất nước, điều kiện thời tiết khí hậu…lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp. Đặc biệt lưu ý về chất lượng nước phải sạch, không bị ô nhiễm bởi các nguồn thải của nước sinh hoạt, các nhà máy công nghiệp, vùng cửa sông có sự biến động lớn về độ mặn…Chất đất lựa chọn phụ thuộc vào đối tượng nuôi, ví dụ nuôi tôm cần chất đáy là cát hoặc cát pha thịt.

     

    Việc thiết kế trại nuôi phải bảo đảm khoa học và vệ sinh, cần có hệ thống cấp và thoát riêng biệt để tránh sự lây lan của tác nhân gây bệnh. Ao nuôi cần phải đủ độ sâu để ổn định môi trường, tránh sự biến đổi đột ngột các yếu tố môi trường dẫn đến gây sốc cho động vật nuôi.

     

    3.2 Chống ô nhiễm hữu cơ xảy ra trong ao nuôi

    Trong ao nuôi, nếu hoàn toàn không có chất hữu cơ cũng không phải là môi trường sống tốt cho động vật thủy sản. Nhưng nếu lượng chất thải hữu cơ tồn đọng trong ao đìa quá cao sẽ gây ra hiện tượng ô nhiễm hữu cơ. Khi ao nuôi tồn tại một lượng lớn chất hữu cơ có thể dẫn đến hiện tượng nở hoa của tảo, các chỉ số DO, pH biến động theo ngày đêm lớn, gây sốc cho động vật nuôi và cũng tạo điều kiện cho các vi sinh vật là tác nhân gây bệnh có điều kiện bùng phát. Chất hữu cơ trong các thủy vực NTTS có thể tồn tại ở 3 dạng khác nhau: chất hữu cơ hòa tan, chất hữu cơ lơ lững và chất hữu cơ lắng tụ.

     

    Các biện pháp làm giảm chất hữu cơ là phải vét sạch chất thải sau mỗi vụ và gom lại một nơi an toàn. Nếu ao nuôi áp dụng biện pháp thu gom chất thải bằng máy đảo nước thì việc nạo vét chất thải thực hiện sẽ dễ dàng và triệt để hơn. Quản lý lượng thức ăn chặt chẽ bằng các biện pháp kỹ thuật, nhằm tránh sự dư thừa thức ăn trong ao nuôi là biện pháp tốt nhất làm giảm lượng chất hữu cơ trong ao. Kìm hãm sự phát triển của tảo đáy và ổn định tảo phù du trong ao nuôi là giải pháp cần thiết để hạn chế chất thải hữu cơ sản sinh ra trong ao nuôi. Nếu trong ao nuôi tôm sú tảo đáy phát triển mạnh, có thể làm các chỉ số môi trường thay đổi và khi chúng tàn lụi sẽ thải ra một lượng chất hữu cơ lớn. Tảo phù du khi đã đạt mật độ cao, nếu không quản lý tốt có thể tàn lụi đồng loạt và cũng sản sinh ra một lượng lớn chất hữu cơ. Do vậy cần phải phơi nắng đáy ao để diệt bào tử của tảo đáy, tạo môi trường thuận lợi để tảo phù du phát triển. Dùng vôi để ổn định pH, độ cứng, độ kiềm. Thường xuyên dùng chế phẩm vi sinh có thể ổn định tảo và giảm chất hữu cơ trong ao một cách từ từ nhưng rất hiệu quả. Cần hạn chế dùng kháng sinh và hóa dược, bởi nếu dùng thường xuyên, thuốc có thể tiêu diệt hệ vi sinh vật có lợi ở đáy ao, giảm quá trình chuyển hóa của lượng chất hữu cơ lơ lững và lắng tụ ở đáy ao.

     

    4. Áp dụng các mô hình nuôi ghép, nuôi luân canh và nuôi tổng hợp

     

    Trong hệ thống ao nuôi dựa vào nhu cầu sinh thái và dinh dưỡng ta có thể nuôi ghép một số động vật thủy sản để tận dụng không gian mặt nước, cơ sở thức ăn tự nhiên và đặc biệt là có tác dụng trong việc chống ô nhiễm môi trường. Có thể nuôi ghép tôm càng xanh trong ruộng lúa, nuôi ghép tôm sú trong ruộng lúa độ mặn thấp, nuôi ghép hải sâm với tôm sú…

     

    Áp dụng các mô hình nuôi luân canh tôm-lúa, cá-lúa có thể giúp chúng ta giải quyết một lượng lớn chất thải hữu cơ tạo ra từ vụ nuôi. Mô hình này đang được áp dụng nhiều địa phương ở miền Nam cho hiệu quả kinh tế khá cao.

     

    Có thể áp dụng các mô hình nuôi tổng hợp VAC, mô hình nuôi tôm, động vật thân mềm và rong biển trong một hệ thống nuôi tuần hoàn cũng giúp cho chúng ta ổn định môi trường ao nuôi.

     

    Nguồn bệnh động vật thủy sản

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Đối tác
    Zalo
    Hotline