BỆNH CẦU TRÙNG TRÊN GÀ
Bệnh cầu trùng là bệnh đường ruột, do một loại ký sinh trùng đơn bào gây ra. Loại cầu trùng gây bệnh trên gia cầm thuộc giống Eimeria
1. Nguyên nhân
Bệnh cầu trùng là bệnh đường ruột, do một loại ký sinh trùng đơn bào gây ra. Loại cầu trùng gây bệnh trên gia cầm thuộc giống Eimeria.Có 11 loài Eimeria được phát hiện trên gà, trong đó có 5 loài gây thiệt hại đáng kể, bao gồm:
- E. necatrix, E. maxima và E. acervulina ký sinh ở ruột non
- E. brunetti và E. tenella ký sinh ở manh tràng
- Cầu trùng có sức đề kháng cao với các chất sát trùng thông thường và điều kiện ngoại cảnh. Người ta thường sử dụng nhiệt độ cao để tiêu diệt cầu trùng.
2. Phương thức truyền lây
Bệnh lây lan chủ yếu qua đường tiêu hóa do gà ăn phải nang của cầu trùng có trong thức ăn, nước uống bị nhiễm mầm bệnh. Mầm bệnh thường được bài thải trong phân của gà bệnh hoặc gà đã hết triệu chứng bệnh nhưng vẫn còn đang trong giai đoạn bài trùng.
3. Sinh bệnh
Cầu trùng là bạn đồng hành của độ ẩm. Vòng đời cầu trùng là 7 ngày nên thông thường phòng bệnh từ ngày thứ sáu, và khi phòng và chữa bệnh nên dùng theo phác đồ 3-3-2 tức là 3 ngày dùng thuốc, 3 ngày nghỉ, 2 ngày dùng thuốc.
Bệnh cầu trùng là bệnh phổ biến và gây nhiều thiệt hại cho ngành chăn nuôi gia cầm. Cầu trùng vào cơ thể gây thiệt hại thông qua 4 tác động:
- Chiếm đoạt chất dinh dưỡng trong đường ruột
- Tiết độc tố làm cơ thể mệt mỏi, giảm sức đề kháng
- Gây tổn thương niêm mạc ruột dẫn đến xuất huyết, viêm ruột
- Mở đường cho vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh
4. Triệu chứng
Gà ở tất cả các lứa tuổi đều có thể mắc cầu trùng, nhưng tuổi nhạy cảm nhất là 2-3 tuần tuổi. Bệnh ở thể cấp tính gà thường chết nhanh sau 2-7 ngày, bệnh cũng có thể kéo dài, khỏi dần nhưng chậm. Gà trưởng thành hay bị bệnh ở thể mãn tính.
Thể cấp tính:
- Gà ủ rũ, ăn ít, uống nước nhiều.
- Lúc đầu đi phân có bọt màu vàng hoặc hơi trắng. Sau đó, phân có màu đỏ nâu do lẫn máu (phân gà sáp).
- Gà đi lại khó khăn, xã cánh, xù lông, mắt trũng sâu, niêm mạc nhợt nhạt, chân gập lại, quỵ xuống và chết sau khi có biểu hiện co giật từng cơn.
Thể mãn tính:
- Bệnh tiến triển chậm hơn như gầy ốm, xù lông, kém ăn, chân đi như bị liệt, tiêu chảy thất thường…
- Do tính chất bệnh không điển hình khó chẩn đoán. Ở thể này gà là vật mang mầm bệnh.
5. Bệnh tích
Mào, tích, cơ bắp nhợt nhạt. Mổ khám nếu là cầu trùng mang tràng thì thấy manh tràng ứ đầy máu, sưng to (Hình 1).
Nếu là cầu trùng ruột non thì tá tràng sưng to, ruột phình to từng đoạn, niêm mạc tá tràng viêm (Hình 2), trên bề mặt thấy các ổ tròn xám.
Loại gia cầm | Thời gian dùng thuốc (Pha trong nước hoặc thức ăn) |
Gà thịt công nghiệp | Dùng thuốc phòng bệnh trong các ngày tuổi 10-12 và 20-22. Tổng cộng là 2 đợt, mỗi đợt ba ngày liên tục. |
Gà thả vườn | Dùng thuốc phòng bệnh trong các ngày tuổi 12-14, 28-30 và 48-50 ngày tuổi. Tổng cộng là 3 đợt, mỗi đợt ba ngày liên tục. |
Gà đẻ | Mỗi 2-3 tháng dùng 1 đợt thuốc kéo dài 3 ngày |
Lưu ý: sau mỗi 2 tháng đối với gà đẻ và gà giống hoặc sau mỗi đợt nuôi gà thịt, cần phải thay đổi dược chất chống cầu trùng để tránh sự đề kháng của cầu trùng đối với thuốc. Như vậy, khi mua thuốc phòng trị cầu trùng, người chăn nuôi phải so sánh dược chất trong sản phẩm bạn định mua. Nhấn mạnh ở đây là dược chất chứ không phải tên sản phẩm, nhiều khi tên sản phẩm hoặc nhà sản xuất khác nhau nhưng dược chất trong sản phẩm thì giống nhau. Ngoài ra, sau 2 tháng, bạn có thể quên sản phẩm đã dùng hoặc dược chất đã dùng là gì, nên cần phải ghi chép lại.
6. Điều trị
- Việc trước tiên khi điều trị cầu trùng là lập tức cho gà ăn hoặc uống vitamin và khoáng chất. Trong đó, vitamin K, E, A và Selen là quan trọng nhất để làm giảm mức độ mất máu và tỷ lệ chết.
- Tiếp theo là dùng các loại thuốc đặc trị cầu trùng trên thị trường, theo hướng dẫn của nhà sản xuất.